Dù ba miền của Việt Nam có khẩu vị ẩm thực rất khác nhau, nhưng đều có những món ăn chung cho ngày Tết như dưa hành, dưa kiệu, và đặc biệt là giò lụa, miền Nam gọi là chả lụa. Giò lụa là món ăn đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ và rất dễ ăn. Một đĩa giò lụa cắt lát, ăn cùng với dưa hành có thể là món nhâm nhi của cánh đàn ông, là một món ăn vui giúp đậm đà câu chuyện của các bà, và là món ăn trẻ nhỏ cũng khó lắc đầu từ chối.
Được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt lợn nạc giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Tuy chế biến đơn giản song lại là món có thể để dành được vài ngày, vừa để ăn, vừa có thể biếu người thân hoặc đãi khách mà không mất công nấu nướng. Ngày Tết, khi các món đã được dọn ra xong xuôi chủ nhà mới bắt đầu mang gói giò cắt lấy một khoanh, đặt vào đĩa. Thế là có một mâm cỗ Tết trọn vẹn.
Giò lụa thường được thái thành khoanh ngang và xắt làm năm hay sáu miếng theo đường kính, bày trên đĩa thành hình hoa thị và chấm nước mắm ngon rắc chút bột tiêu thơm nhẹ hay gia thêm chút tinh dầu cà cuống. Ngoài cách ăn thông thường như một thức ăn trên mâm cỗ ngày lễ tết, giò lụa cũng thường sử dụng ăn kèm với bánh giầy, xôi hoặc cơm gạo tám.
Giò là món ăn đặc biệt của ngày Tết Việt Nam. Mâm cỗ Tết cỗ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa. Tết, mâm cỗ nhà nào cũng đủ đầy và chứa chan hương vị cùng màu sắc. Đĩa giò ít màu sắc hơn các món khác, vì không phải rắc rau mùi, rau thơm cũng không đặt quả ớt xanh hay hạt tiêu màu đen nhưng nếu thiếu nó là thiếu hẳn một món quan trọng, món đặc trưng của mâm cỗ Tết.
Giò lụa ngon khi khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có một vài lỗ rỗ, không khô rắn, không mềm nát và không bị bã. Miếng giò ăn béo bùi, giòn tấm tức, làm cho chén rượu ngày xuân thêm nồng say. Không chỉ là loại thực phẩm ưa chuộng được dùng trong giỗ chạp, lễ Tết, giò lụa còn rất thích hợp làm quà biếu trong các đám dạm hay cưới xin.
Sưu tầm