Bát nước chấm là một đặc trưng trong hầu hết bữa ăn của người Việt, nó làm cho món Việt dường như khác với các món ăn của dân tộc khác. Cho dù là trong bữa cơm chân quê đơn giản hay các buổi tiệc sang trọng trong nhà hàng, khách sạn thì bát nước chấm không thể “vắng mặt”. Trong bát nước chấm, người Việt dường như muốn thể hiện cả triết lý cuộc sống vào đó, vì thế nên mới có đủ cả các vị chua cay mặn ngọt của cuộc đời chăng?
Nếu người phương Tây cầu kỳ trong cách chế biến nước xốt thì người Việt cũng không kém phần tinh tế trong cách pha chế nước chấm. Với người Việt, nước chấm không chỉ đơn thuần là thức chấm mà nó còn thể hiện tính cộng đồng và mực thước trong bữa ăn. Trong mâm cơm người Việt, thường chỉ có một bát nước chấm và được đặt giữa mâm dùng chung cho cả gia đình. Vì thế, nó trở thành thước đo sự ý tứ, trình độ văn hóa của mỗi người. Trong các loại nước chấm thì nước mắm là thứ nước chấm chủ đạo của các món ăn Việt. Món ăn ngon hay dở nhiều khi được quyết định bởi chất lượng từ bát nước chấm.
Hầu hết các món ăn Việt đều sử dụng nước chấm. Nó như linh hồn của món ăn, nếu thiếu bát nước chấm xem như món ăn không ngon hết vị và cũng chẳng còn gì hấp dẫn người thưởng thức. Người sành nội trợ thường có kinh nghiệm đặc biệt để pha chế nước chấm tùy theo món ăn. Thậm chí, cùng nguyên liệu là nước mắm, giấm, đường, tỏi, ớt, dùng để ăn với món gì thì tỷ lệ các thành phần pha chế cũng khác nhau, như khi dùng chấm rau sống thì pha nhạt, ăn với bún chả thì thêm chua. Với món vịt thì nước chấm không thể thiếu gừng, nước mắm tỏi ớt cho bún chả, bún nem, nước mắm gừng, chanh cho ốc luộc, nước mắm chua ngọt cho gỏi, nước chấm cà cuống cho bánh cuốn…
Nhưng nguyên liệu không thể thiếu trong bát nước chấm đó chính là nước mắm nguyên chất. Nước mắm ngon kết hợp cùng các loại gia vị khác để tạo thành một bát nước chấm thơm hương, đậm đà. Thức nào đi với bát nước chấm ấy. Một bữa ăn mà nước chấm pha dở, có lẽ sẽ làm giảm một nửa phần giá trị của các món ăn dù chuẩn bị cầu kỳ đến đâu. Một bữa cơm đạm bạc, đĩa rau muống luộc, với bát nước mắm tỏi ớt ngâm giấm, với nhiều người đó cũng là niềm hạnh phúc của cuộc sống.
Bát nước chấm đã đi vào tâm thức người Việt. Bất kỳ đâu trên đất nước ta, nước chấm cũng là thứ không thể thiếu trong mâm cơm gia đình, tuy nhiên hương vị nước pha chế ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng phù hợp với khẩu vị và phong cách ăn uống của miền đó.
Ớt là gia vị không thể thiếu trong chén nước chấm của người Việt. Nhưng cách cho ớt vào nước chấm pha ở ba miền cũng không giống nhau. Miền Bắc thường cắt từng khoanh ớt đều tăm tắp, nhìn rất đẹp mắt để cho cho vào bát nước chấm. Miền Trung thường giằm ớt khi ăn để tận hưởng mùi cay nồng hoà cùng vị mặn mòi của nước mắm. Còn Nam bộ thì giã hoặc băm nhuyễn ớt để lấy vị cay và màu đỏ giúp chén nước chấm thêm phần hấp dẫn.
Dù ở mỗi vùng miền bát nước chấm mang những hương vị khác nhau nhưng sự đậm đà, tinh tế ẩn chứa trong đó như triết lý nhân sinh của người dân Việt ngàn đời vẫn không thay đổi.