Ở nông thôn nước ta, nhiều nhà có giàn thiên lý. Đây là loại cây dây leo, tên khoa học là Telosma cordata (Burm.f.Merr.) thuộc họ thiên lý, có những lá xanh hình trứng đầu nhọn, mép hơi cong.Hoa thiên lý mọc thành chùm xim ở kẽ lá, màu xanh dịu, toả hương thơm nhẹ nhàng. Điều rất đáng quý là cây hoa giản dị này còn là một cây thuốc. Từ lâu đời nhân dân ta đã dùng hoa và lá thiên lý làm thuốc.
Bát canh nấu bằng hoa và lá thiên lý non không những có giá trị dinh dưỡng mà còn được coi là một bài thuốc mát và bổ, trừ được giun kim. Có thể nấu canh thiên lý suông, hoặc nấu với giò sống, cua, tôm, thịt nạc đều ngon.
Đây là một món ăn ngon và bổ, rất thích hợp trong những bữa cơm mùa hè của chúng ta. Cách chế biến cũng đơn giản, tốt nhất là nấu với nước xương hầm, khi nước sôi cho giò sống vào, đợi giò nổi lên là chín, cho tiếp hoa thiên lý rồi cho gia vị (mắm, muối, hạt tiêu…) đủ dùng.
Canh này ăn ngọt, giàu chất dinh dưỡng, có mùi thơm hoa thiên lý rất quyến rũ, đồng thời được coi là một bài thuốc mát, giải nhiệt, tẩy giun kim thông dụng.
Cách làm cua và nấu cũng giống các loại canh cua khác, chỉ thay các loại rau thông thường bằng hoa thiên lý. Đun canh cua sôi, rồi thả hoa thiên lý vào, đun sôi lại, cho gia vị đủ dùng.
Canh này ăn ngon ngọt, có mùi thơm đặc trưng của hoa thiên lý và cũng có tác dụng chữa bệnh như trên.
Trên đây là mấy món canh ngon, đồng thời cũng là những bài thuốc mát, bổ, có tác dụng giải nhiệt và trừ giun kim. Nếu không sẵn giò sống và cua, chúng ta có thể nấu canh hoa lý với thịt nạc, tôm cũng giống các loại canh tôm, canh thịt khác.
Ngoài giá trị làm thức ăn và làm thuốc nói trên, gần đây người ta còn nghiên cứu dùng lá thiên lý chữa trĩ (lòi dom) có kết quả tốt.
Cách dùng như sau: Lấy 100g lá thiên lý non và bánh tẻ, rửa sạch, giã nhỏ với 5g muối ăn, thêm 30ml nước cất, lọc qua gạc sạch. Rửa sạch chỗ lòi dom bằng nước pha thuốc tím, lấy bông tẩm nước thiên lý đắp lên, băng như đóng khố. Ngày làm 1-2 lần. Thường chỉ chữa 4-5 ngày như trên sẽ thấy kết quả tốt.