Có nhiều con đường để khám phá văn hóa của một cộng đồng người. Trong đó có một con đường nhanh, hiệu quả và hấp dẫn nhất, ấy là ẩm thực. Văn hóa ẩm thực không chỉ được thể hiện ở hương vị món ăn, cách chế biến, cách trình bày… mà còn nằm trong quy tắc ăn uống.
Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Đối với người Việt, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống.
Cách ăn uống, phép tắc ăn uống, cách chế biến thực phẩm, cách chọn thực phẩm của người Việt biểu hiện đặc tính, cách suy tư, cũng như mối quan hệ giữa con người với nhau và cả giữa con người với thế giới thần thánh và ma qủy. Cho nên, ăn uống mang chiều sâu triết học và quan niệm tâm linh không ai có thể chối bỏ được. Từ ăn uống bao gồm hai động tác là ăn và uống. Người Việt đều hiểu ăn uống theo một cách chung như là cách sống.
Văn hóa ẩm thực của người Việt có những nét đặc trưng như: tính hòa đồng, đa dạng, ít mỡ; đậm đà hương vị với sự kết hợp nhiều loại gia vị làm tăng sức hấp dẫn trong các món ăn. Việc ăn thành mâm, sử dụng đũa và đặc biệt trong bữa ăn không thể thiếu cơm là tập quán chung của tất cả các dân tộc sinh sống trên đất Việt.
Văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực chính là sự thể hiện nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, là sự cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm. Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng của từng người, của từng gia đình, của từng cộng đồng dân cư và của cả xã hội.
Bản thân mỗi người biết giữ gìn, thận trọng trong khi ăn, cũng như đề cao danh dự của mình: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, hay “ăn phải nhai, nói phải nghĩ”… phản ảnh tinh thần thanh cao trong văn hóa ẩm thực.
Trong gia đình: Ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là cơ hội xum họp gia đình, mọi người quây quần bên nhau vui vầy sau một ngày làm việc.
Ngoài xã hội: Việc mời khách đến nhà thể hiện nét văn hóa giữa người với người trong xã hội. Khi có dịp tổ chức ăn uống, gia chủ thường làm những món ăn thật ngon, nấu thật nhiều để đãi khách. Chủ nhà thường gắp thức ăn mời khách, tránh việc dừng đũa trước khách, và có lời mời ăn thêm khi khách dừng bữa. Bữa cơm không chỉ đơn thuần là cuộc vui mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách đặc trưng của người Việt.
Ẩm thực Việt Nam là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý phối trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung và nghi thức ăn uống nói riêng của mọi người Việt trên đất nước Việt Nam. Tuy hầu như ít nhiều có sự khác biệt, ẩm thực Việt Nam vẫn bao hàm ý nghĩa khái quát nhất để chỉ tất cả những món ăn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhưng đã tương đối phổ biến trong cộng đồng người Việt.
Theo chuaphuclam