Từ thời kỳ đồ đá, đồ sắt, ở mảnh đất hình chữ S ngày nay của chúng ta có ba vùng văn hóa lớn là Đông Sơn ở phía Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở phía Nam. Qua lịch sử lâu dài, văn hóa ở mỗi vùng có thay đổi và giao lưu với nhau. Tuy nhiên, ở nhiều khía cạnh cuộc sống, đặc biệt là trong ẩm thực, ta thấy sự khác biệt ở mỗi miền. Một trong những biểu hiện của sự khác biệt ấy là món ăn ngày tết.
Thịt đông là món ăn truyền thống trong mâm cổ ngày Tết của người miền Bắc. Sau khi chế biến xong người ta sẽ mang chân giò ra ngoài trời phơi sương đêm. Theo tục truyền, nhờ làm như thế món thịt đông sẽ hấp thụ sương gió, khí trời tinh hoa của vủ trụ trong khoảnh khắc giao mùa.
Do đặc điểm khí hậu của miền Bắc thường lạnh nên khi Tết đến, các bà nội trợ ở đây thường chọn món thịt đông cho bữa ăn đầu năm. Những miếng thịt trong veo được bày trên mâm cơm ngày Tết thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của các bà, các mẹ, các chị trong khâu sơ chế nguyên liệu và nấu nướng. Thịt gà, da heo và giò heo được cho vào nước sôi trụng sơ, vớt ra cắt hạt lựu rồi cho vào chảo dầu ăn vừa nóng tới xào đến khi thịt săn rồi nêm gia vị. Đổ nước lọc vào nồi nấu sôi cùng với các nguyên liệu trên, vừa hầm vừa vớt sạch bọt, khi thịt mềm cho hạt bắp, đậu hà lan, cà rốt, nấm mèo… vào nấu chín. Sau đó, múc chúng vào một cái chén, để nguội rồi cho vào tủ lạnh sau một giờ là có thể dùng được.
Thưởng thức thịt đông với cơm, bánh chưng và dưa kiệu, bạn sẽ cảm nhận được hương vị Tết trọn vẹn. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các thành phần, màu sắc của món ngon như một lời cầu chúc may mắn cho cả gia đình.
Là một trong những món ăn quen thuộc trong thực đơn ngày Tết của người miền Trung, nem bò lụi thể hiện rõ đặc trưng ẩm thực của vùng đất đầy nắng gió này. Để làm món nem bò lụi, người miền Trung dùng thịt bò nạc trộn chung với thịt giò sống và mỡ heo, băm nhuyễn, cho thêm gia vị gồm dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, tiêu xanh và gừng băm nhuyễn vào, quện, tán đều tay. Sau đó vo thành viên tròn, lụi qua cây sả rồi đem nướng chín vàng trên lửa than hoặc trên chảo với ít dầu ăn.
Khi ăn, lần lượt xếp các loại rau, nem bò lụi, đu đủ xanh, cà rốt bào sợi ngâm chua ngọt… lên bánh tráng, cuộn tròn, chấm vào nước chấm ngon ngậy. Cho cuốn bánh vào miệng, cắn một miếng rồi nhẩn nha nhai, bạn sẽ tận hưởng được một hương vị miền Trung rất riêng vào ngày Tết.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu món thịt kho trứng. Trước Tết 1, 2 ngày, các bà, các chị đã lo tất bật đi chợ, dạo khắp nơi chọn mua cho bằng được những miếng thịt ba rọi dày và ngon nhất. Kèm theo đó là mua thêm trứng gà hoặc vịt cùng nước dừa tươi, ngọt thanh.
Bí quyết của bà con miền Nam là trước khi kho, cho hai muỗng dầu ăn vào chảo, thêm một muỗng đường vào thắng trên lửa để đường ngả sang màu caramen. Sau đó cho thịt ba rọi cắt thành miếng vuông lớn vào, nêm gia vị rồi đổ nước dừa tươi vào kho. Sau đó, cho trứng đã luộc chín, bóc vỏ vào kho chung với 2 trái ớt đỏ để món ăn thêm màu sắc.
Miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, cầu mong cho gia đình một năm mới vuông tròn, trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý.
Theo VOV